Đã từ rất lâu rồi người hâm mộ sportbike của Honda trông mong hãng xe yêu thích của mình tung ra một chiếc xe sử dụng động cơ V4, giống như động cơ mà Honda đang sử dụng ở MotoGP. Hàng loạt những hình ảnh rò rỉ cũng như các bằng sáng chế mà Honda đã nộp càng củng cố thêm niềm tin này. Và niềm mong mỏi đó cũng đã được đền đáp vào năm 2015 khi Honda tung ra RC213V-S, với động cơ V4 như là bản sao của động cơ trên chiếc RC213V.
![]()
Nhưng RC213V-S là một nỗi thất vọng cho nhiều người cho dù đây là một chiếc xe rất đẹp, được trang bị rất nhiều công nghệ đua ngoài công suất khá yếu của nó. Với cái giá 185.000 đô-la Mỹ (cùng bộ Racing Kit có giá khoảng 15.000 đô) , đây không phải là một chiếc xe mà giới mộ điệu sportbike của Honda mong chờ. Chiếc xe họ mong chờ là một chiếc xe mạnh, được trang bị nhiều công nghệ và có mức giá dễ tiếp cận. Và đó cũng chính là sự khởi đầu của CBR1000RR-R.
1 – Động cơ
Honda CBR1000RR-R được trang bị khối động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng, 999cc, cho ra công suất 214hp ở 14.500 vòng/phút, với đường kính và hành trình piston tương tự như những chiếc MotoGP 81 x 48.5 mm. Từ một bản giấy vẽ trắng tinh, các kỹ sư của Honda và Honda Racing Corporation đã tạo ra một động cơ hoàn toàn mới: gọn gàng hơn, hành trình ngắn hơn, sử dụng những vật liệu tốt và công nghệ để giảm đi ma sát bên trong. Ống hút ram-air phía trước đầu xe đưa thẳng luồng khí vào hộp gió. Tất cả những yếu tố trên kết hợp với ống xả được chế tạo bởi Akrapovic cho ra 113Nm ở 12.500 vòng/phút và sức mạnh tối đa 160Kw ở 14.500 vòng/phút.
![]()
2 – Khung sườn
Việc giảm kích thước vật lý của động cơ mở ra nhiều lựa chọn cho việc thiết kế khung sườn và gắp mới, cùng với đó là sự thay đổi hoàn các thông số hình học. Mục tiêu là chính xác hơn khi chuyển hướng ở tốc độ cao, ổn định hơn khi tăng tốc và phanh, và cảm nhận tốt hơn độ bám bánh trước và bánh sau. Khung sườn hình kim cương (diamond frame) được làm từ nhôm có độ dày 2mm giúp cho việc tinh chỉnh độ cứng chính xác hơn và cân bằng hơn. Sau khi 4 thành phần của khung sườn được hàn lại, động cơ sẽ được bắt vào 6 vị trí trên khung sườn này giúp cải thiện việc kiểm soát chiếc xe.
![]()
Gắp có 18 điểm có độ dày khác nhau, giống như trên chiếc RC213V-S. Gắp mới dài hơn 30.5mm nhưng cân nặng lại bằng với thế hệ trước.
3 – Khí động học
Ngoài động cơ mới và khung sườn mới, CBR1000RR-R có một dàn áo (fairing) hiếu chiến. Đây không chỉ là một bài thực hành về thiết kế mà mục tiêu là tạo ra một chiếc xe có hệ số cản thấp nhất có thể (khi tay lái núp gió trong điều kiện đường đua) và ngăn hiện tượng bốc đầu khi tăng tốc và cải thiện sự vững vàng khi phanh.
![]()
Phần dàn áo phía dưới (lower fairing) được kéo dài gần sát với lốp sau, và được tạo hình để hướng luồng khí xuống dưới. Điều này mang đến 2 lợi ích: trong điều kiện khô ráo, ít không khí tác động lên lốp, giúp giảm đi lực cản; trong điều kiện ướt, ít nước tác động lên lốp, giúp cải thiện độ bám.
![]()
Để tạo ra lực ép xuống (downforce) ở tốc độ cao trong đường đua nhưng vẫn giữ được diện tích mặt trước nhỏ nhất có thể, CBR1000RR-R dùng cấu trúc cánh gió (winglet) giúp tạo ra lực ép xuống hiệu quả tương đương với cỗ máy RC213V phiên bản 2018. Kết quả là giảm đi hiện tượng bốc đầu (wheelies) khi tăng tốc và tăng sự ổn định khi phanh và vào cua.
![]()
4 - Tổng kết
Cho dù chưa tạo được nhiều dấu ấn ở giải đua WSBK nhưng Honda CBR1000RR-R đã tạo ra một làn sóng thích thú trong cộng đồng hâm mộ sportbike khi chiếc xe này được trang bị những công nghệ đỉnh cao của Honda và HRC, không chỉ công nghệ điện tử mà còn công nghệ vật liệu và công nghệ gia công. Không biết ở thế hệ CBR tiếp theo, Honda có dùng động cơ V4 như sự ao ước của nhiều người hay không nhưng ở thời điểm hiện tại, hãy cứ tận hưởng những gì mà CBR1000RR-R mang lại.
![]()
![]()
![]()
Honda CBR1000RR-R có gì hay ngoài nhiều chữ R?
Article written by lequockhanh, published 16/6/22.
Chủ đề