Động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng (inline-four) ở MotoGP đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Cách đây 9 năm, khi Suzuki thay GSV-R với V4 bằng GSX-RR có động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng, MotoGP có 8 chiếc xe chạy động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng, cùng với 16 chiếc chạy động cơ V4. Mùa giải MotoGP 2023 chỉ có 2 chiếc xe chạy động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng. Trong khi đó, có tới 20 chiếc chạy động cơ V4. Vậy bao lâu nữa chúng ta sẽ chứng kiến toàn bộ MotoGP chạy động cơ V4? Số phận của động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng ở MotoGP có thể được trả lời ở mùa giải này với Yamaha YZR-M1. Nếu M1 2023 thành công, Yamaha sẽ tiếp tục với thiết kế động cơ này. Nếu không, họ sẽ xem xét chuyển sang sử dụng V4.
Về cơ bản, động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng giúp kiểm soát chiếc xe tốt hơn vì có trục khuỷu dài, cân bằng được chiếc xe. Trong khi đó, động cơ V4 lại có nhiều sức mạnh hơn vì trục khuỷu ngắn hơn và cứng hơn, cho phép đẩy tua máy lên cao hơn. Và sức mạnh bây giờ có vai trò rất quan trọng, không chỉ trên đường thẳng mà còn ở trong những khúc cua. Nếu xe có nhiều sức mạnh, nó có thể vượt qua được lực cản được tạo ra bởi các bộ cánh khí động học, qua đó tạo ra độ bám trong cua và giảm đi bốc đầu. Nếu chạy trên một đường đua không có ai, những xe có động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng có thể chạy nhanh hơn, với những đường cong hết mượt mà để tạo ra tốc độ vô cua. Tuy nhiên, thực tế không được như vậy khi những chiếc xe này chạy chung với xe có động cơ V4, bởi vì V4 nhanh hơn trên đường thẳng và khí động học trong cua cho phép nó chạy theo đường hình chữ V, do đó nó có thể chạy thẳng tới đỉnh cua và cản trở đường chạy của inline-four. Dĩ nhiên, xe có động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng vừa giành được 2 chức vô địch trong ba mùa giải MotoGP gần nhất, do đó thiết kế động cơ này chưa hẳn đã lỗi thời nếu biết canh chỉnh phù hợp.
Năm nay, Suzuki không còn nữa, và Yamaha từ 4 chiếc xe ở mùa giải năm ngoái chỉ còn 2 chiếc ở mùa giải này. Càng ít inline-four trên đường đua thì cuộc chiến với những chiếc V4 càng trở nên khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao Yamaha làm M1 ngày càng giống với một chiếc xe chạy V4, qua việc điều chỉnh lực ép xuống và thay đổi hình học của chiếc xe, để các tay đua của họ có thể chiến đấu với những chiếc xe của Ducati, Aprilia, Honda hay KTM. Và đây cũng là lý do tại sao M1 không còn là một chiếc xe thân thiện như ngày xưa, vì nó cần phải được chạy như một chiếc V4. Đây chính là điều mà Fabio Quartararo đã và đang làm.
Tay đua người Pháp là tay đua Yamaha duy nhất có thể chạy được M1 theo phong cách của một chiếc V4 trong vài năm trở lại đây. Valentino Rossi, Franco Morbidelli và Andrea Dovizioso đều không thể thích ứng với M1 theo cách mà nó muốn được chạy. Nếu như Quartararo có thêm cỡ 10 mã lực nữa vào năm ngoái, Ducati và Francesco Bagnaia chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn để giành cúp. Các kỹ sư của Yamaha tính toán được rằng Quartararo mất từ 0,2 - 0,4 giây mỗi vòng do M1 tăng tốc yếu và top speed không cao. Cho nên mục tiêu lớn của họ cho 2023 là cải thiện chuyện này.
Nhưng liệu Yamaha có làm được? Hãng xe Nhật Bản đã thuê Luca Marmorini, một kỹ sư F1, để có thể tạo nên vài phép màu trên M1. Nhưng ngay cả các kỹ sư F1 cũng phải tuân theo các quy tắc vật lý. Nhiệm vụ của Marmorini không chỉ là tăng mã lực cho M1 mà còn phải vượt qua được các vấn đề phát sinh từ trục khuỷu dài của thiết kế động cơ này, vốn rung rất nhiều khi tua máy lên rất cao. Suzuki có giải pháp riêng của mình cho chiếc GSX-RR của họ vào năm ngoái, bằng chứng là chiếc xe của Suzuki thường có tốc độ tối đa cao hơn Yamaha M1. Có lẽ Yamaha nên thuê vài kỹ sư của Suzuki.
Yamaha YZR-M1 2023: Cơ hội cuối cho động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng ở MotoGP?
Article written by lequockhanh, published 5/2/23.
Chủ đề