![]()
Exciter 155 VVA ABS ra mắt vào khoảng cuối năm ngoái, chỉ bổ sung thêm ABS dành cho bánh trước chứ không có khác biệt nào so với đời trước đó. Dù vậy, Exciter rõ ràng vẫn có sức hút của riêng nó.
Đây là một chiếc xe đẹp, nhìn thể thao và quá trình vận hành thì cũng thật sự mang lại sự tự tin và vui vẻ. Dưới đây sẽ là những điểm tốt và chưa tốt trên Yamaha Exciter 155 VVA ABS theo đánh giá của mình sau khi chạy vài ngày, rất nhanh thôi, không phải quá sâu, mời anh em theo dõi nhé.
![]()
Điểm tốt
- Máy êm, vận hành linh hoạt, nhẹ nhàng
- Bổ sung ABS - muộn còn hơn không
- Mặt đồng hồ LCD cỡ lớn, smartkey, cổng sạc
- Đèn hậu đẹp mắt và có tính nhận diện cao
Ấn tượng chưa tốt
- Yên quá trơn
- Phuộc chưa cải thiện
- Đèn xi nhan cũ
- Giá chưa thật sự cạnh tranh
Máy êm, vận hành linh hoạt, nhẹ nhàng
![]()
Có một điều mình tin chắc là anh em sẽ ấn tượng khi lái thử Yamaha Exciter 155 VVA ABS đó là máy nó cực kì êm. Yamaha làm điều này không chỉ đối với riêng dòng Ex, mà với xe tay ga, thậm chí các sản phẩm mô tô phân khối lớn của hãng cũng có sự êm ái này. Theo mình, một trong những yếu tố tác động đến độ êm trên máy của Exciter 155 đó là nghệ van biến thiên VVA. Vậy nên mình dành thời gian để giải thích về công nghệ này một chút xíu.
Ở trong buồng đốt sẽ có một chu kỳ mà hỗn hợp nhiên liệu - không khí đưa và, và sẽ có một chu kỳ mà hỗn hợp này sau khi sinh công được đẩy ra. Khi ở chu kỳ hút thì sú pắp nạp sẽ mở, sú pắp xả sẽ đóng. Còn ở chu kỳ xả thì sú pắp hút sẽ đóng, sú pắp xả sẽ mở. Quy trình này được lặp đi lặp lại bất kể điều kiện hoạt động, bất kể vòng tua máy cao hay thấp nếu chỉ sử dụng trục cam bình thường.
Nhưng sẽ có phát sinh một vài vấn đề khi piston chạy quá nhanh (động cơ hoạt động ở vòng tua cao). Đó là khi ở tua máy cao thì động cơ cần lượng hỗn hợp nhiên liệu nhiều hơn, và nếu như trục cam vẫn hoạt động giống nhau ở mọi vòng tua sẽ khiến cho sú pắp nạp đóng khi chưa đủ lượng nhiên liệu đưa vào buồng đốt. Hoặc nếu thiết kế trục cam để đóng sú pắp nạp trễ hơn chút (thường trên động cơ xe đua) thì động cơ sẽ gặp vấn đề ở vòng tua thấp.
![]()
Sú pắp đóng chậm sẽ khiến cho lượng nhiên liệu chưa kịp đốt hết sẽ đi ra ngoài do sú pắp ko kín. Từ đó sẽ khiến động cơ đốt không sạch nhiên liệu ở tua máy thấp. Chính vì những nhược điểm đó của trục cam bình thường mà trục cam biến thiên ra đời. Đối với xe mô tô thì trên xe đua cũng đã được áp dụng công nghệ này từ lâu còn trên xe thương mại thì cũng bắt đầu có vài hãng áp dụng. Sơ khai nhất có thể kể đến đó là công nghệ VTEC trang bị cho mẫu Honda CB400. Bắt đầu từ chiếc CB400 VTEC I vào những năm 90.
![]()
Đối với VVA trên Exciter 155, ở chế độ tải thấp, vòng tua nhỏ, gối cam tiết diện nhỏ sẽ được sử dụng. Khi đó van (xupap) có độ mở ít, không khí đưa vào buồng đốt vừa đủ để giúp tiết kiệm xăng và động cơ nổ êm hơn. Ở chế độ tải nặng, vòng tua cao, cò mổ sẽ dịch chuyển sang sử dụng gối cam tiết diện lớn. Từ đó van mở nhiều hơn, không khí đưa vào buồng đốt nhiều hơn để động cơ đạt được hiệu năng cao hơn.
![]()
Hệ thống điều khiển điện tử ECU sẽ chọn và thay đổi giữa vấu cao lớn hoặc nhỏ tại tua máy 6.000 vòng/phút và tất nhiên là trong tích tắt để không ảnh hưởng đến vận hành. Yamaha Exciter 155 VVA ABS thật sự bốc, xe lên theo ý mình khi vào số và vặn ga. Hộp số nhẹ nhàng, ga lên cũng ngọt, không gào máy và rất dễ chịu. Về nước hậu thì có thể sẽ hơi đuối bởi có lẽ mình đã quen cảm giác dùng một chiếc xe mạnh hơn, nhưng thực tế ở nước đề cảm giác lanh lẹ và thoát xe dễ dàng khiến cho cảm xúc của mình với nó còn vui vẻ hơn nữa.
Bổ sung ABS - muộn còn hơn không
![]()
ABS trên Yamaha Exciter lẽ ra phải là thứ mà Yamaha phải trang bị từ lâu, nhưng họ đã không làm điều đó trong suốt một thời gian dài, bất chấp đây là dòng xe hướng đến nhu cầu chạy nhanh, thể thao. Nếu không chịu sức ép từ Winner X với ngày càng nhiều công nghệ và mức giá cạnh tranh hơn, có lẽ việc bổ sung ABS cho Exciter là điều khó xảy ra sớm. Có thể trong tương lai, Yamaha sẽ tiếp tục trang bị ABS cho cả bánh sau, nhưng hiện tại thì chỉ có cho bánh trước.
![]()
ABS thật sự giúp cho việc phanh xe tự tin hơn rất nhiều. Trải nghiệm phản hồi ABS trên Yamaha Exciter 155 VVA ABS giống với những gì mà mình đã có trước đó với FreeGo, nghĩa là cảm nhận khi ABS kích hoạt lên tay phanh không quá gắt, đủ để mình nhận biết được sự can thiệp của ABS. ABS chắc chắn gia tăng độ an toàn, nhưng cũng phải nói lại là nó không phải lúc nào cũng ngăn được việc bạn bị trượt ngã. Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.
Mặt đồng hồ LCD cỡ lớn, smartkey, cổng sạc
![]()
Mặt đồng hồ của Yamaha Exciter 155 VVA ABS có kích thước lớn nên tương đối dễ quan sát do các thông tin hiển thị cũng rõ ràng. Dù vậy, quan sát dưới trời nắng gắt hơi khó do nó dù gì cũng chỉ là LCD âm bản. 2 thứ khác cũng hoạt động ổn trên xe đó là smartkey và cổng sạc. Smartkey trên xe Yamaha hạn chế tình trạng anh em quên tắt mà cách kêu bíp bíp khi rời xe mà chưa vặn khóa, và nó hiệu quả. Còn cổng sạc thì sẽ là trang cần thiết khi anh em đi tour hoặc hôm nào ra khỏi nhà mà quên sạc điện thoại thì cũng có thể sử dụng cái cổng này.
Đèn hậu đẹp mắt và có tính nhận diện cao
![]()
Mình không thật sự ưng hoàn toàn với thiết kế của xe, bởi mình thấy nó hơi rườm rà và không gọn gàng như cái đời Ex 2015. Trên xe thì có một chi tiết mà mình thích thôi, đó là phần đèn hậu của xe được thiết kế theo phong cách của R1, có tính nhận diện cao nhìn phát là biết.
Yên quá trơn
![]()
Không hiểu sao Yamaha làm cái yên của Exciter 155 VVA ABS quá trơn, thành thử ra mình ngồi lên là bị trượt. Ban đầu mình nghĩ là do cái quần, nhưng đổi mấy cái, đủ loại vải trên đời để ngồi chạy thì vẫn cảm giác trơn, mỗi lần phanh người cứ bị đổ dồn về phía trước.
Phuộc chưa cải thiện
![]()
Phuộc trước luôn là vấn đề của Yamaha Exciter, và điều đó mặc dù cũng được khắc phục nhẹ nhưng nó cũng chưa thật sự đủ tốt để thuyết phục mình. Nếu hàng ngày anh em đi làm trong nội thành, không thường xuyên phải đi qua các cung đường xấu thì đây không phải là vấn đề. Nhưng nếu anh em đi đường dài, qua nhiều địa hình khác nhau thì sẽ thấy phuộc trước của xe cũng chưa ngon lắm.
Đèn xi nhan cũ
![]()
Yamaha có thiết kế đèn xi nhan mới mà họ đã áp dụng cho một số dòng như MT Series. Nhưng trên Exciter 155 VVA ABS thì nó vẫn sử dụng đèn halogen cho cả phía trước và phía sau. Chi tiết này xem ra không gặp ăn nhập và nhìn khá lạc lõng, không phù hợp với phong cách hiện đại của xe.
Giá chưa thật sự hấp dẫn
![]()
Yamaha Exciter 155 VVA ABS có giá từ 54 triệu. Yamaha vẫn duy trì phiên bản cũ để bán song song bởi dù gì, nâng cấp cũng không quá nhiều. Với giá bán này, chi phí để lăn bánh có thể sẽ rơi vào khoảng 60 triệu. Với mình thì con số này vẫn tương đối cao đối với một chiếc côn tay phổ thông. Theo quan sát của mình, Yamaha cũng không tung ra quá nhiều chính sách ưu đãi cho dòng xe này trong năm, bởi vậy giá gần như không đổi.
Trong khi đó bên kia chiến tuyến, Winner X bản ABS đôi khi ra giấy tờ chỉ tầm 40 triệu đổ lại. Trong bối cảnh đó, nếu cân đo đong đếm tất cả các yếu tố, chênh lệch giá thật sự lớn nhưng hiệu quả thì không khác biệt nhiều, và lúc bấy giờ thì Winner X lại hấp dẫn hơn.
[Review nhanh] Yamaha Exciter 155 VVA ABS: máy êm, lanh lẹ, ABS đáng giá
Chủ đề
Chủ đề
-
File đính kèm:
-