Mang tiếng là thị trường tiêu thụ xe máy hàng đầu thế giới, top 2 vào năm 2023, và cũng thuộc top đầu ở những năm trước, thế nhưng nếu ngó qua một lượt về dải sản phẩm của các hãng, người Việt xem ra vẫn tương đối thiệt thòi khi không có quá nhiều sự lựa chọn khi mua xe.
Nếu ngồi ngẫm nghĩ, có khá nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, thế nhưng trong khuôn khổ bài viết, mình sẽ không bàn đến câu chuyện đó mà chỉ mô tả lại thực trạng hiện tại, để anh em có cái nhìn bao quát hơn về thị trường xe máy, đồng thời có thể đưa ra hành động nào đó để thúc đẩy sự đa dạng về sản phẩm xe máy trong tương lai gần.
Quá ít sự lựa chọn
Sự đa dạng về mẫu mã của Honda tại Thái Lan.
Lấy ví dụ về một thương hiệu có tiếng nhất ở thị trường trong nước, nếu ngồi đếm, hãng này hiện tại có 17 dòng xe máy phổ thông khác nhau đang được bán. Trong đó có nhiều dòng đã được ra mắt từ hơn chục năm trước và chỉ thay đổi nhẹ qua hàng năm. Rất hiếm khi có một dòng xe nào hoàn toàn mới được giới thiệu trong suốt chiều dài lịch sử của hãng. Ngó sang thị trường Indo hoặc Thái Lan, số lượng sản phẩm được "bày bán" ngót nghét 30, nghĩa là gấp rưỡi hay thậm chí là gấp đôi Việt Nam.
Và cũng bởi vì có quá ít sự lựa chọn, điều này đẩy người mua vào hoàn cảnh "không mua xe này thì mua xe nào", khi mà trong tầm giá đó, số lựa chọn chỉ là 1 hoặc 2. Và câu chuyện này cũng tiếp tục đẩy người mua vào một câu chuyện dần đã được chấp nhận, đó là "chênh giá", nơi mà những người có tiền chấp nhận bỏ thêm vài triệu hay thậm chí cả chục triệu so với giá đề xuất để có được chiếc xe mà họ có thể yêu thích (chỉ vì không nhìn thấy lựa chọn nào khác tốt hơn).
Thị trường không thật sự cạnh tranh
Thị trường cạnh tranh là một thị trường có nhiều người bán và người mua, mỗi người không có khả năng ảnh hưởng đến giá thị trường. Nếu nhìn bức tranh tổng thể ở Việt Nam, bản thân mình không nhìn thấy có quá nhiều sự cạnh tranh đến từ nhiều thương hiệu, mà chủ yếu là sự cạnh tranh đến từ 2 phe xanh - đỏ.
Nếu nhắc về xe máy ở trong nước hiện tại thì các thương hiệu mà ngay lập tức anh em có thể nghĩ tới sẽ là các thương hiệu top đầu, chiếm lĩnh thị trường. Theo thứ tự, đó là Honda, Yamaha, Piaggio (bao gồm Vespa), Suzuki, Kymco, SYM.... Trong số này, nhờ xây dựng được niềm tin "ăn chắc mặc bền" (dù không rõ hiện tại có còn như vậy hay không), thế nên các thương hiệu Nhật Bản gần như luôn sẽ là lựa chọn đầu tiên khi ai đó nghĩ đến việc mua xe máy mới.
Cũng bởi tâm lý này, họ nhìn chung chịu rất ít sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu khác, từ đó, động lực để đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm nhằm cạnh tranh gần như không có. Chưa kể, tâm lý "hàng Nhật ngon" cũng đẩy giá trị của những chiếc xe Nhật lên cao hơn những gì mà chúng thật sự mang lại.
"Chênh giá" vô lý đến nỗi...bình thường!
Một người bạn mình từng phải mua một chiếc xe tay ga cao cấp 150cc với giá lên tới hơn 130 triệu khi ra biển Sài Gòn, nghĩa là mức chênh giá so với giá đề xuất lên tới gần 20 triệu, con số đủ để anh em có thể mua một chiếc xe số giá rẻ. Những khoản chênh lệch này đối với các dòng xe hot, được cho là sẽ "bù qua sớt lại" với việc giảm giá đối với những dòng xe có doanh số thấp để thúc đẩy lượng mua.
Dù vậy, đó là bài toán kinh doanh của người bán, còn người mua, ít nhất họ cũng bị thiệt thòi khi để có thể mua được chiếc xe yêu thích, họ phải bỏ ra số tiền nhiều hơn so với ngân sách ban đầu. Những tưởng con số chênh giá 20-30 triệu thế này là điều gì đó bất thường nhưng dần dà, người ta cũng chấp nhận với chuyện đó như một điều hiển nhiên. "Xe hot mà, bỏ thêm tí cũng không sao".
Xe nhập khẩu tư nhân với giá "trên trời"
Ở Việt Nam, không ít các dòng xe được đưa về nước được nhập khẩu tư nhân. Trong số đó, có những dòng bán cực kỳ chạy trong nhiều năm liền, cho thấy sự quan tâm và thị hiếu của người Việt đối với các dòng xe mới, khác biệt. Do chịu nhiều các khoản thuế nhập khẩu cũng như việc tối ưu lợi nhuận của các nhà phân phối, xe nhập khẩu tư nhân thường đắt hơn vài chục triệu, thậm chí có xe giá cao hơn x2, x3 khi về đến Việt Nam.
Trông chờ chiếc xe đúng nhu cầu được đưa về một cách chính thức có thể ví như hạn chờ mưa đối với một số khách hàng.
Vậy tương lai sẽ như thế nào?
Câu chuyện của Yamaha PG-1 gần đây là một tín hiệu tốt. Chưa bàn đến việc có thành công hay không trong tương lai, PG-1 nhận được sự đón nhận từ cộng đồng cho thấy "cơn khát" của người Việt đối với các sản phẩm khác biệt và mới mẻ. Nếu duy trì được điều này, PG-1 có thể châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh mới. Nhưng đó cũng chỉ là kỳ vọng.
Khi mà đa số người mua vẫn đang hài lòng với các sản phẩm hiện có, với lựa chọn ngày càng thu hẹp, thì thị trường xem ra vẫn vẫn chưa mấy lành mạnh và những vấn đề trên rồi sẽ tiếp tục tồn tại trong suốt một quãng dài cho đến khi có điều gì đó tạo ra sự khác biệt.
Năm 2024: Người Việt vẫn thiệt thòi khi chọn mua xe máy dù là thị trường tiêu thụ top đầu thế giới
Chủ đề