Năm hết Tết đến rồi, hàng ngàn người con xa quê soạn sửa về quê để đón một cái Tết ấm áp và tràn ngập tình thương của gia đình. Những người có điều kiện và lựa chọn thì đi máy bay, xe khách, ô tô cá nhân nhưng cũng có rất nhiều người chạy xe máy về quê. Chạy xe máy ngày thường đi một đoạn đường xa đã nguy hiểm rồi, những ngày giáp Tết càng nguy hiểm hơn. Trong bài này, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm về chuyện này.
1. Tâm lý
Tâm lý đóng một vai trò rất quan trọng trong hành trình về quê. Ai cũng mong muốn về quê thật nhanh để cùng chuẩn bị Tết nên cảm giác trong lòng rất nôn nao. Điều này vô hình chung tạo nên áp lực tâm lý khi chạy xe, khi chúng ta cứ cố mà chạy. Như vậy sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt khi chạy xe đường dài. Anh em cứ thoải mái tâm lý trước khi xuất phát, cứ chia nhỏ trong suy nghĩ từng đoạn đường sẽ chạy qua. Ví dụ, nếu anh em chạy từ Sài Gòn ra Phú Yên chẳng hạn, thì anh em cứ suy nghĩ trong đầu là chạy hoàn thành từng đoạn, chứ đừng tham lam chạy một mạch. Đầu tiên hoàn thành đoạn Sài Gòn – Xuân Lộc, rồi Xuân Lộc – Phan Thiết, rồi Phan Thiết – Phan Rang, cứ như thế. Cách này giúp tâm lý của chúng ta thoải mái hơn, vui vẻ hơn và dễ hoàn thành chặng đường về quê. Điều chúng ta muốn đạt được là về quê ăn Tết an toàn chứ không phải cố chạy một cách mù quáng.
2. Đồ đạc
Đồ đạc nặng nề lỉnh kỉnh cồng kềnh chính là kẻ thù của việc chạy xe máy. Nhiều đồ đạc làm cho việc điều khiển xe trở nên cực kỳ khó khăn và bị động, dẫn đến những tai nạn không đáng có. Thử tưởng tượng đang tránh hoặc vượt xe mà ghi-đông bị vướng không thể đưa sang trái hoặc sang phải. Đồ đạc nặng nề cũng làm cho việc thắng xe cũng rất khó chịu vì bây giờ chiếc xe phải tải một trọng lượng lớn hơn nhiều. Do đó, để đảm bảo an toàn và sự thoải mái khi chạy xe trên một quãng đường dài, chúng ta nên mang theo đồ đạc gọn gàng và gọn nhẹ nhất có thể. Chỉ cần vài bộ đồ cùng giấy từ cá nhân là đủ rồi. Đồ đạc khác nếu được thì gửi về quê trước qua đường xe đò. Còn không thì về quê mua; ở quê bây giờ cũng có.
3. Chạy trong khả năng của mình và khả năng của chiếc xe
Nhiều anh em chưa quen với việc chạy xe đường dài nhưng thường nghĩ là cố thêm một chút nữa; cứ cố thêm chút nữa rồi lại cố thêm chút nữa. Điều này vô hình chung tạo nên một áp lực rất lớn lên người chạy và chiếc xe. Theo mình cứ chạy một tiếng đồng hồ mình sẽ nghỉ 15 phút để uống nước, ăn bánh và vận động cơ thể nhẹ nhàng; chiếc xe cũng sẽ biết ơn mình vì thương cho thân phận của nó, và chúng ta cũng sẽ tránh được những sự cố máy móc đáng tiếc khi hoạt động quá tải.
4. Đừng vượt và lấn làn/chuyển làn khi không cần thiết
Mùa Tết rồi nên lưu lượng xe trên đường rất đông và các loại xe lớn như xe tải, xe khách cũng tranh thủ chạy KPI nên anh em không nên vượt khi không cần thiết. Cứ chạy từ tốn, thoải mái chứ đừng cố vượt xe này xe kia. Xe nhỏ yếu và thân xe khách và xe tải thường dài nên tính toán sai là coi như xong. Một điểm nữa cần lưu ý là các xe lớn chạy đua KPI nên họ thường xuyên vượt và lấn sang làn bên kia, nếu chúng ta ở đúng vị trí mà họ lấn làn thì hậu quả không thể nào tưởng tượng nổi.
5. Đừng chạy nhanh quá nhưng cũng đừng chậm quá
Hãy đi đúng tốc độ cho phép, đừng chạy nhanh quá nhưng cũng đừng chạy chậm quá. Chạy nhanh quá thì không kiểm soát và xử lý tình huống nếu bất trắc xảy ra, còn chạy chậm quá thì sẽ nhanh chán và dễ gây buồn ngủ, và còn dễ bị các xe phía sau va chạm. Nếu đoạn nào vắng vẻ chút thì có thể tăng tốc lên một chút để thêm chút phấn khích nhưng đừng quá nhanh để đến mức không kiểm soát được.
Đó là đôi dòng chia sẻ với anh em về chuyện đi xe máy về quê đón Tết. Chúc mọi người có một chuyến đi an toàn và vui vẻ, có một cái Tết ấm áp và sum vầy bên gia đình và người thân.
Ai có chia sẻ gì thêm thì để vào phần bình luận nhé!
Chia sẻ một số kinh nghiệm chạy xe máy về quê ăn Tết
Article written by lequockhanh, published 14/1/23.
Chủ đề