Cuộc đua chính ở chặng GP nước Mỹ 2023 chứng kiến Fabio Quartararo giành vị trí thứ 3, điều khiến nhiều người bất ngờ khi chứng kiến phong độ của tay đua người Pháp và chiếc YZR-M1 ở những cuộc đua trước đó và vì bản chất khó nhằn của trường đua COTA đối với chiếc xe của Yamaha. Điều gây ấn tượng hơn cả là Quartararo không cho Luca Marini, người chạy chiếc Ducati GP22, vượt trong suốt 12 vòng. Điều này cho thấy hai điều, một là Fabio Quartararo vẫn là một tay đua rất đẳng cấp, và hai là Yamaha M1 vẫn là một cỗ máy đủ nhanh.
Cuối cùng, sức mạnh của Ducati vẫn thắng thế trong cuộc chiến này. Ở Vòng 13, Marini vượt qua Quartararo trên đường thẳng. Khi xem lại pha vượt này, chúng ta cảm giác như tay đua của Yamaha như thể đang đứng yên. Tốc độ của Marini khiến Quartararo không thể cảm thấy thoải mái. “Ý tôi là ngay cả trên video, khi Luca vượt qua tôi trên đường thẳng, thật khó để giữ bình tĩnh vì lúc đó rất dễ lo lắng. Điều tôi mong chờ là có thể chiến đấu với Marini thêm một chút nữa, nhưng cậu ấy có nhịp đua thực sự tốt vào cuối cuộc đua, trong khi đó tôi đã chạy hết khả năng từ Cua 1 cho đến hết cuộc đua,” Quartararo nói.
Nếu xem lại đoạn video về pha vượt của Marini với Quartararo, chúng ta có cảm giác như xe của Marini có 7 số chứ không phải 6 số, hoặc có lẽ chiếc xe của Marini có gắn bình ni tơ oxide. Chiếc GP22 đột ngột tăng tốc và vượt qua chiếc M1 một cách khá dễ dàng. Thông thường, khi hai chiếc xe chạy gần nhau cùng vào một khúc cua, chúng sẽ phối hợp với nhau khi chiếc xe chạy trước thắng và xe chạy sau theo xe trước cùng vào góc cua đó. Sau đó, khi xe trước tăng tốc, xe sau cũng tăng tốc, nhưng lúc này hai xe có một khoảng cách nhất định vì xe trước là chiếc xe mở ga đầu tiên.
Nhưng điều này không đúng với những gì đã diễn ra giữa chiếc Ducati GP22 và Yamaha M1. Marini bắt kịp Quartararo lúc vào cua, nhưng khi ra cua, Quartararo lại không thể tạo ra khoảng cách với Marini. Chiếc Ducati GP22 tăng tốc mạnh hơn và sớm hơn ngay khi thoát cua để bám sát chiếc Yamaha M1. Và chính sự tăng tốc đó, cộng với ưu thế về sức mạnh đã biến chiếc GP22 trở thành một tên lửa và dễ dàng vượt qua M1.
Có phải Yamaha M1 vẫn còn yếu? Không hẳn vậy. Yamaha có cần làm động cơ V4? Không. Thật vậy, Yamaha M1 vẫn yếu hơn những chiếc Ducati nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chiếc xe này không nhanh. Quartararo thua Marini ở nước Mỹ, nhưng tay đua Yamaha vẫn về đích trước 4 chiếc Ducati và 2 chiếc Aprilia ở cuộc đua chính. Vấn đề của Yamaha đến từ địa đồ của đường đua COTA, kết hợp giữa đường thẳng và góc cua vốn là điểm yếu của Yamaha M1. Những góc cua rất chậm, ví dụ Cua 11 phải chạy số 1, và Cua 20. Hai cua này đều dẫn ra những đoạn đường thẳng để các chiếc xe đua tốc độ. Yamaha M1 không thể mang tất cả tốc độ vào cua của nó ra đường thẳng, và khi thoát cua, chiếc xe này buộc phải bắt đầu lấy lại tốc độ từ đầu, nghĩa là bắt đầu từ số 1. Chuyện này cần đến sức mạnh động cơ, nhưng quan trọng hơn là khả năng giữ bánh trước trên mặt đường để chuyển sức mạnh của xe thành sức kéo nhiều nhất có thể.
Không chỉ có Yamaha gặp khó khăn với chuyện này. Cho dù Honda RC213V nhanh hơn 4 km/h khi chạy trên đoạn đường thẳng ở COTA so với chiếc M1 của Franco Morbidelli, Joan Mir vẫn không thể vượt tay đua người Ý. “Trong những vòng đầu tiên, ai cũng có độ bám tốt, do đó thật khó để tạo ra sự khác biệt ở những khúc cua ngắn và chậm, và để có được sự tăng tốc tốt. Đó có lẽ là điểm yếu của chiếc xe của chúng tôi”, Joan Mir chia sẻ. Honda sử dụng động cơ V4, vậy tại sao RC213V lại không vượt được Yamaha. Alex Rins, tay đua giành chiến thắng GP nước Mỹ, có tốc độ thấp thứ hai ở chặng đua vừa rồi, chỉ hơn mỗi Jonas Folger, tay đua chạy thử của KTM thay thế cho Pol Espargaro đang bị thương. Vấn đề không phải là tốc độ khủng khiếp, nhưng là cách tìm được tốc độ và cách tận dụng những lợi thế mà bạn có.
Điểm chung giữa Honda và Yamaha là đây đều là các hãng xe Nhật Bản, và đến thời điểm này họ vẫn chưa nắm bắt được cuộc chơi mới ở MotoGP. Cả hai hãng đang tạo ra những chiếc xe đua, hơn là những chiếc xe MotoGP từ khi khí động học và các thiết bị điều chỉnh độ cao trở thành hướng thiết kế mới của những chiếc xe MotoGP. Yamaha và Honda cần bắt đầu nghĩ như Ducati và Aprilia. Ducati cho rằng khí động học là một phần không thể thiếu của những chiếc Desmosedici. Yamaha, trong khi đó, đã tạo ra một chiếc xe rất tuyệt vời và nỗ lực thêm cánh để tạo ra một chút gì đó hiệu quả khí động học. Đây là hai trường phái suy nghĩ hoàn toàn khác nhau và dĩ nhiên là tạo ra hai kết quả khác nhau. Nếu bỏ cánh ra khỏi Yamaha M1, chiếc xe vẫn chạy tốt, nhưng nếu bỏ cánh ra khỏi Ducati Desmosedici GP, chiếc xe này không dám chắc sẽ chạy tốt như bây giờ. Chiếc Ducati GP có rất nhiều sức mạnh nhưng sức mạnh này không chỉ giúp chiếc xe có tốc độ rất cao mà còn vượt qua lực cản được tạo ra từ bộ khí động học của chiếc xe. Bộ khí động học này chính là vũ khí để chống lại hiện tượng bốc đầu, cho phép những chiếc Ducati thoát cua rất tốt, đặc biệt là những cua gắt.
Triết lý thiết kế của Yamaha là tạo ra một chiếc xe dễ chạy, đồng nghĩa với việc tập trung vào phản ứng động cơ và cảm giác lái, hơn là sức mạnh. Nhưng như Quartararo chỉ ra, sức mạnh bây giờ phục vụ một mục đích khác. Không chỉ là tốc độ trên đường thẳng, sức mạnh của xe giờ đây còn phải vượt qua lực cản được tạo ra từ bộ khí động học trên xe. Nhiều ý kiến cho rằng Yamaha cần chuyển qua động cơ V4 vì thiết kế động cơ này cho nhiều sức mạnh hơn. Yamaha hoàn toàn có đủ năng lực để làm điều đó, nhưng thiết kế một động cơ hoàn toàn mới từ con số không là quá trình rất dài, và mất ít nhất 3 năm trước khi chiếc xe có thể cạnh tranh được với những chiếc xe khác. Chỉ riêng việc thiết kế và sản xuất một động cơ có thể dùng được mất ít nhất 18 tháng. Nhưng lúc này, động cơ này không có dữ liệu nào để tiếp tục phát triển. Tìm được sự cân bằng của chiếc xe là điều có thể được làm khá nhanh, nhưng tối ưu hóa vị trí động cơ, độ cứng khung sườn, phân bổ khối lượng sẽ cần rất nhiều dữ liệu. Chuyện này cần ít nhất một năm hoặc nhiều hơn.
Lấy ví dụ Aprilia. Hãng xe Ý chuyển từ động cơ V4 góc hẹp sang động cơ V4 góc 90 độ từ mùa 2020, và mất 18 tháng để Aprilia bắt đầu thấy được sự hiệu quả. Đến năm thứ ba thì động cơ này mới thực sự có sức cạnh tranh. Việc chuyển từ động cơ V4 góc hẹp sang V4 góc 90 độ ít phức tạp hơn rất nhiều so với việc chuyển từ inline-4 sang V4. Một điều nữa là MotoGP không phải là tốc độ, mà là thời gian chạy vòng (lap time). Thành tích chạy vòng của Fabio Quartararo vẫn rất tốt nếu so với các tay đua có thành tích tốt khác.
Những trường đua sắp tới là nơi mà Yamaha M1 có cơ hội để tỏa sáng, chẳng hạn như Jerez, Le Mans, Mugello, Sachsenring và Assen. Ở những nơi này, duy trì tốc độ quan trọng hơn bộ cánh khí động học. Chúng ta chờ xem Yamaha M1 sẽ thể hiện như thế nào trong phần còn lại của mùa giải để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi là liệu Yamaha có thực sự cần động cơ V4?
Biện hộ cho hoàn cảnh hiện tại của Yamaha ở MotoGP: Không bi đát như chúng ta nghĩ
Article written by lequockhanh, published 25/4/23.
Chủ đề