Khi trên ti vi và một số tờ báo đưa tin thành phố độc nhất vô nhị trên thế giới đang có nguy cơ chìm dần, tôi bỗng nhớ tới những gì mà tôi đã tận mắt chứng kiến… Bởi, tôi thường nghĩ tới những sự bất thường mà đôi khi con người khó mà tưởng tượng nổi.Thế giới có bao nhiêu điều kỳ lạ mà con người hoặc thiên nhiên đã tạo nên? Trong những địa danh kỳ lạ đó có Vơnidơ (Venice) thành phố độc nhất vô nhị mà ở đó đường phố không phải bằng xi măng hay mặt đường rải nhựa mà là nước. Đi trên đường phố là đi trên mặt nước!. Thành phố Venice hình thành trên một bãi lầy giữa biển nước vào năm 568 Đại sứ Việt Nam ở Ý lúc đó là Lê Vĩnh Thử đón chúng tôi ở ga xe lửa vào lúc nửa đêm, hôm chúng tôi trở về từ Vơnidơ (Venice), thành phố được coi là có một không hai trên thế giới. Anh bảo: “Ở Ý, không phải chỉ có một thành phố cổ bị vùi dưới tro tàn của núi lửa, mà còn có Venice, kỳ lạ lắm”. Tôi đã nghe kể những chuyện kỳ lạ về thành phố này. Người ta nói rằng những ai đã đến đây khi trở về nhà đều có cảm giác mát lạnh về ban đêm dù đang ngủ ở những nơi nóng nực và trong những giấc mơ đều thấy mình đang bay trên biển.Những người làm ăn buôn bán đến đây tham quan khi trở về mọi xui xẻo tự nhiên biến mất. Các cặp vợ chồng suốt cả tháng trời sau đó đêm nào cũng như đêm tân hồn…Thực hư thế nào trong những điều người ta đồn thổi tôi không thể biết, bởi có lẽ đó chỉ là cách quảng bá du lịch chăng? Những địa danh độc nhất vô nhị ở Ý, có lẽ nhiều du khách đã nghe, đã xem, hoặc đã đến. Tôi đến Ý không phải lần đầu. Dù đã đi qua, xem qua, nhưng cảm giác mới lạ vẫn xâm chiếm lấy tôi khi đến đây.Đôi khi, tôi thấy mình choáng ngợp trước những cảnh sắc độc đáo mà con người tạo nên. Venice (Vơnidơ) thành phố giữa biển nước, đi trên phố - nước tất nhiên không phải bằng ô tô, xe máy, xe đạp hay cuốc bộ mà là thuyền. Tôi không biết có bao nhiêu loại thuyền ở đây. Thuyền rồng, thuyền độc mộc, thuyền máy, thuyền tam bản... đủ loại, màu sắc, kích cỡ, hình dáng. Vợ chồng tôi mua vé xuống một chiếc tàu của một hãng du lịch nổi tiếng ở Ý. Ở bến tàu có ghi rõ các loại vé: Đi trong 90 phút, trong 3 giờ, trong 5 giờ, trong 9 giờ... tùy túi tiền và thời gian của du khách. Tôi nhìn những đợt sóng do hàng chục con tàu cùng chạy tạo nên, vỗ ì oạp vào thềm nhà, bậc cửa và có cảm tưởng như cả thành phố Venice đang chạy đung đưa trôi bồng bềnh trên biển nước. Người dân thành phố đi mua hàng, đi công chuyện, đi thăm nhau... đều xuống thuyền, nổ máy hoặc cầm chèo khua nước. Thi thoảng, có một vài chiếc cầu sắt bắc từ khu nhà này qua nhà khác. Tôi nhìn kỹ những bậc thềm, bậc tam cấp của các khu nhà cao tầng đều bị các lớp rêu hoặc những lớp hàu bám vào và đang ngả màu thời gian. Gần như cửa nhà nào cũng có một con thuyền buộc sẵn, lắc lư trên bến nước. Người dân đều phải đi bằng thuyền Vì không có người hướng dẫn, tôi phải mua một cuốn sách bằng tiếng Anh bán ngay ở quầy sách cạnh bến tàu viết về Venice với giá 6,20 E (euro), tính ra tiền Việt lúc đó là hơn 150 ngàn đồng. Tôi lần mò đọc và được biết : Venice hình thành trên một bãi lầy giữa biển nước vào năm 568. Mãi đến năm 584 mới được sáp nhập vào nước Ý. Lịch sử Vơnidơ, theo cuốn sách mô tả bằng những bức tranh diễn tả các cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các bộ tộc và Venice đã đứng vững trước những cuộc tấn công từ phía. Cuốn sách chỉ giới thiệu những địa danh nổi tiếng của thành phố mà không nói rõ người ta đã xây dựng thành phố như thế nào. Qua trò chuyện với một số người dân ở đây, thì giả thuyết xây thành phố sau khi đắp một con đập bao quanh biển nước . Người ta xây dựng thành phố trên bãi lầy mà xung quanh là biển nước mênh mông . Xây xong, phá đập, nước tràn vào, thành phố như một pháo đài giữa biển nước mênh mông kia . Ở đây không có lũ lụt, nên mực nước luôn ở mức mấp mé bậc của các tòa nhà , mấp mé ở các bậc đá lên xuống bến thuyền. Trong hàng trăm di tích độc đáo ở Venice, có lẽ quảng trường Xanh Mark’s được du khách đến thăm đông nhất. Du khách từ năm châu bốn biển, đủ màu da, giọng nói luôn chật cứng quảng trường. Ngửa cổ ngắm ngọn tháp cao ngất trời sơn màu da cam có chiếc đồng hồ chạy bằng chất lỏng (tôi đoán vậy, vì mặt đồng hồ trong như mặt nước luôn chuyển động theo ánh sáng mặt trời, tỏa ra những tia hào quang hệt như trong chuyện cổ tích).Du khách thích thú với đàn chim bay rợp quảng trường. Chúng đậu lên mũ, lên vai, lên ba lô... của du khách. Có người con giơ tay ra cho chim đậu, rồi những chú chim tinh nghịch ghé mỏ hôn lên môi du khách như một cặp tình nhân. Đi vào phía trong lâu đài Xanh Mark’s có thể ngắm nhìn không chán các họa tiết tinh vi, những bức tranh nổi tiếng, những cảnh sắc lạ kỳ. Quảng trường này được xây dựng trong 20 năm và được giữ nguyên từ năm 1592 cho đến năm 2000 mới được tu sửa lại. Hơn bốn thế kỷ sống động của sự hòa trộn giữa văn hóa của đế chế La Mã và văn minh Âu châu. Từ thủ đô Rôma, với gần 100 euro tiền vé, bạn lên tàu vượt 700 cây số đến Vơnidơ - bạn sẽ có một chuyến du lịch tuyệt vời. Thành phố Venice đang có nguy cơ chìm xuống biển Trở về nhà, tôi lên Sóc Sơn ở và thật kỳ lạ, suốt một tuần đầu đêm nào tôi cũng mơ thấy mình bay trên biển nước và đêm ngủ tôi cảm thấy mát lạnh dù ở đây tôi không có máy điều hòa nhiệt độ mà thời tiết đang ở giữa mùa hè … Có lẽ đó là ảo giác chăng? Nhưng... Chẳng có gì trên trái đất này là vĩnh cửu nguyên vẹn, cái gì cũng có những vấn đề cần giải quyết, không lúc này thì lúc khác, không việc này thì việc khác... Mới hôm kia, tôi xem một chương trình truyền hình, được biết, thành phố độc nhất vô nhị trên thế giới Vơnidơ ( Venice ) đang có nguy cơ chìm xuống biển, do khí hậu biến đổi, trái đất nóng lên, băng tan, mực nước biển sẽ dâng cao... Người ta đo được mỗi năm nước biển bao quanh Venice tăng lên mấy Centimét, và mặt đất (đầm lầy trước đây) nơi ngự tọa những ngôi nhà tuyệt đẹp của Venice đang lún sâu từng Centimét. Thật hãi hùng, nhiều tờ báo ở Ý, ở Pháp đã nói đến nguy cơ đáng sợ này. Nguy cơ có thể biến một thành phố có lịch sử lâu đời , một thành phố tuyệt đẹp, thành phố duy nhất trên thế giới được xây dụng giữa biển nước có thể “ đang chìm” … Người ta đang nói nhiều đến biến đổi khí hậu, đến hiệu ứng nhà kính, đến những tại họa khủng khiếp từ thiên nhiên do chính con người vì những lợi ích trước mắt đã tàn phá thiên nhiên, khai thác tài nguyên đến cạn kiệt mà quên đi những hậu quả kinh hoàng đe dọa sự sống của chính con người. Và nó đang diễn ra hàng ngày. Venice chính là một trong những ví dụ sinh động. Một dự án nghe nói hàng chục tỷ đô la Mỹ đang được xem xét, như phải xây một con đập chắn sóng biển bao quanh thành phố, bơm hàng triệu tấn xi măng xuống sâu phía dưới bãi lầy… Nhưng, nhiều nhà khoa học lại cho rằng, đó là dự án không tưởng...Thế mới biết, để giữ gìn sự toàn vẹn, bền lâu cho một thành phố, một vùng quê, một cộng đồng, một đất nước có lẽ là công việc của tất cả chúng ta, là mỗi người phải góp sức giữ gìn môi trường mà chúng ta đang sống.Bởi có biết bao khó khăn thách thức về môi trường sống hàng ngày đang đặt ra trước mặt chúng ta, như những khó khăn thách thức đang đặt ra với thành phố tuyệt vời, có một không hai này.